LƯỢC SỬ GIÁO XỨ AN BẰNG
1. LÃNH NHẬN HẠT GIỐNG ĐỨC TIN
Đức Cha Pellerin lãnh đạo Giáo phận Huế với chương trình xây dựng Giáo phận xung quanh ba trụ cột: đào tạo tông đồ giáo dân, đào tạo linh mục, và củng cố các cộng đoàn nữ tu Mến Thánh Giá. Đức Cha Sohier đã tiếp tục chương trình này làm cho các cộng đoàn giáo hữu không ngừng vững mạnh và tăng trưởng. Giáo xứ Hà Úc là một điển hình dưới sự điều hành khôn ngoan của linh mục Héry (Cố Y).
1.1. Hạt giống tiên khởi
Theo sổ ghi nhớ lãnh bí tích Rửa Tội, những năm 1890, có 7 em ấu nhi gốc An Bằng đã được lãnh nhận bí tích Rửa tội tại Nhà Thờ Diêm Tụ. Chúng ta không biết vì lý do gì mà có biến cố này. Có thể những ấu nhi này đã được bảo trợ bởi các gia đình công giáo tại Diêm Tụ.
Song Thiên Chúa đã quan phòng để cho một thiếu nữ xuất hiện, khai mở lối vào đi tìm Đấng Chân Thiện Mỹ, với câu chuyện đơn sơ như sau:
Vào khoảng năm 1872, anh Lê Quy, người An Bằng thuộc họ tộc Lê Văn Khai Khẩn vào cưới một cô gái người làng Hà Úc, tên là Văn Thị Mão, làm vợ. Đôi vợ chồng này sinh được bé gái, tên là Lê Thị Bạo. Không may, Mẹ mất sớm, cha tục huyền, bé Lê Thị Bạo được ở với ông bà ngoại. Đến tuổi khôn, bé được đến trường sơ tiểu học Hà Úc do cha sở là linh mục Héry (cố Y) thành lập và điều hành.
Nhờ ơn Chúa soi sáng và thúc đẩy, cũng như cảm mến đời sống đạo hạnh của người công giáo, cô đã tỏ thiện chí tìm hiểu và xin học hỏi giáo lý do linh mục Héry hướng dẫn. Sau thời gian dự tòng đầy ý nghĩa, cô Lê Thị Bạo quyết dấn bước theo Đấng “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”.
Chính vì thế, Cha Héry đã cử hành Bí tích Rửa Tội cho cô với thánh hiệu Mátta khi cô vừa tròn 21 tuổi, vào ngày 17.7.1894 tại Nhà thờ Hà Úc.
Nhận thấy cô Mátta đạo đức và có thể tiến xa trong đời sống thiêng liêng, linh mục Héry đã gửi cô vào tu viện Mến Thánh Giá Phủ Cam để sống ơn gọi tu trì. Nhưng rồi, thánh ý của Thiên Chúa cao vượt hơn hẳn sự suy nghĩ và dự tính của con người. Sau hơn một năm tập sống đời tu trì, cô Mátta đã xin trở lại với gia đình để sống chứng nhân cho Tin Mừng ngay chính trong gia đình cô và ngay tại quê hương An Bằng của cô.
1.2. Những hạt giống tiếp nối và trưởng thành
Khi về với gia đình, cô Mátta Lê Thị Bạo đã mạnh dạn nói về Chúa cho những người thân và đã tuần tự đưa các người thân đến gia nhập Giáo hội của Chúa Giêsu.
Qua linh mục Héry, Thiên Chúa đã đón nhận và đổi tên cho hai người em gái là Anê Lê Thị Ni (7 tuổi) và Anê Lê Thị Ca (4 tuổi). Đến ngày 30.5.1897, tại An Bằng, người cha là Lê Quy (59 tuổi), người mẹ kế là Văn Thị Thìn (47 tuổi) và em trai là Lê Mô (13 tuổi) bắt đầu thời gian dự tòng, học hỏi giáo lý. Và cả ba đã lãnh nhậnBí Tích Rửa Tội ngày 15.7.1897 tại nhà thờ Hà Úc với các thánh hiệu Giuse Lê Quy, Matta Văn Thị Thìn và Giuse Lê Mô.
Thiên Chúa tiếp tục kêu gọi con dân An Bằng trở thành con cái của Ngài, nên Ngài đã chọn gọi những dòng tộc khác.
Với dòng tộc ông Lê Nhiều (Vinh), câu chuyện diễn tiến như sau: ông Lê Nhiều đã lâm bệnh nhiều năm, đã qua nhiều thầy, uống nhiều thuốc mà bệnh không thuyên giảm. Một ngày đầu tháng 4 năm 1897, có ông thầy lang người Công giáo, giáo xứ Phủ Cam về làng An Bằng chữa bệnh. Gia đình ông Lê Nhiều cũng mời vào, may ra chữa lành bệnh cho ông. Sau khi bắt mạch, thầy lang nói: “bệnh này tôi không chữa được, tuy vậy, nếu ông muốn thì tôi cũng cố gắng hết mình, và nếu như lành bệnh thì là do Ơn Trên, và gia đình ông phải theo Đạo”. Ông Lê Nhiều đồng ý để ông thầy lang chữa bệnh. Sau ba ngày uống thuốc, bệnh tình của ông Lê Nhiều có phần thuyên giảm, ông tiếp tục chữa bệnh và khoảng nửa tháng sau, ông cảm thấy khỏi hẳn. Ông Lê Nhiều giữ lời hứa, nên xin cho hai con nhỏ là Phaolô Lê Chất (7 tuổi) và Anê Lê Thị Thìn (4 tuổi) được Rửa Tội ngày 30.5.1897 tại An Bằng. Phần ông Lê Nhiều và vợ, vì cần thời gian học hỏi giáo lý căn bản, nên đến ngày 15.7.1897, ông và vợ ông đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội tại nhà thờ Hà Úc cùng với gia đình ông Giuse Lê Quy.
Và rồi, Thiên Chúa đã gọi chọn gia đình ông Phaolô Thìn, vợ là Agata Chít, hai con trai là Phêrô Tứ và Bênêđitô Ngọ. Cả gia đình được linh mục Héry cử hành Bí tích Rửa Tội ngày 25.4.1898 tại nhà thờ Hà Úc.
Thiên Chúa tiếp tục tung gieo hạt giống đức tin và tuần tự gặt hái nhiều thành quả. Trong khoảng thời gian 1894-1898, chỉ vỏn vẹn gần 5 năm đã có 25 người An Bằng được làm con Chúa trong gia đình Hội Thánh Công giáo. Đây là “Cây Đức Tin” đầu tiên quý giá được ươm trồng trên mảnh đất An Bằng. Đây cũng chính là “cộng đoàn sơ khai” làm trổ sinh nhiều hoa trái đức tin cho Giáo xứ An Bằng sau này!
Song, tiến trình loan báo Tin Mừng dường như bị chững lại, do Linh mục Héry là chánh xứ Hà Úc nhưng phải kiêm nhiệm nhiều nơi: từ Diêm Trường lên Xuân Thiên, qua Diêm Tụ, Dưỡng Mong, nên khoảng thời gian 1898 – 1902, số giáo dân An Bằng không tăng thêm.
Cho đến giữa năm 1902, linh mục Maillebuau (cố Mầu) về làm chánh xứ Hà Úc. Sau một thời gian tìm hiểu, cố Mầu tiếp tục công việc truyền giáo ở An Bằng.
Với sự cố gắng như chạy đua với thời gian, cố Mầu đã chọn đêm ánh sáng (24.12.1903), đêm Mừng Lễ Chúa Giáng Sinh để Rửa Tội cho hai em trai là: Giuse Lạc (5 tuổi) và Giuse Hiển (3 tuổi) con của ông Khai và bà Lý, để khai mở giai đoạn mới cho việc trồng thêm “Cây Đức Tin” cho vườn xứ An Bằng.
Quả thật, Thiên Chúa quan phòng cách kỳ diệu đã gọi chọn thêm một dòng tộc khác, là dòng tộc ông Văn Hòa. Ông Hòa là một thầy pháp đã từng quen biết nhiều người công giáo và có cảm tình với đạo, vì đã từng hành nghề thầy pháp trong những vùng công giáo tại thành phố Huế. Do vậy, khi có cơ hội trò chuyện với cố Mầu, ông Văn Hòa được ơn Chúa soi sáng và thấm nhuần tư tưởng đạo Chúa, ông và cả gia đình xin được Rửa Tội ngày 06.5.1905 tại nhà thờ Hà Úc cùng với 21 người khác. Trong số này có gia đình ông Nguyễn Cúc ở xóm mới (vùng An Mỹ hiện nay) và gia đình Phaolô Ngởi và bà Agata Văn (ông bà ngoại của ông Bênêđitô Nguyễn Xuân).
1.3. Ngôi Nhà Thờ đầu tiên
Vào khoảng tháng 8 năm 1905, số giáo dân An Bằng lên đến 58 người. Giáo dân ước ao có một nơi để cùng nhau cầu nguyện. Cố Mầu đã khuyến khích và sẵn sàng tài trợ kinh phí, vật liệu; trong lúc đó, ông Phaolô Văn Hòa dâng một mảnh đất vườn của gia đình để xây dựng Nhà Nguyện, còn giáo dân góp công.
Thiên Chúa đã chúc lành cho công việc và ước mơ của “cộng đoàn An Bằng tiên khởi”, một nhà nguyện bằng tranh tre, ba gian, được dựng lên. Đây là ngôi nhà thờ đầu tiên của xứ An Bằng.
1.4. Họ Nhánh của Hà úc và ông Câu đầu tiên
Với sự lãnh đạo tài ba của Cố Mầu, đời sống cầu nguyện của cộng đoàn tiên khởi An Bằng tại Nhà Nguyện đầu tiên gặt hái những thành công trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Đến giữa năm 1912, cộng đoàn đã có thêm 34 anh chị em. Lúc này, cộng đoàn có 92 thành viên. Do đó, cố Mầu thành lập cộng đoàn thành đơn vị “họ nhánh” thuộc giáo xứ Hà Úc. Đồng thời, ngài cũng chọn hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô làm bổn mạng, với lý do rất thực tế và gần gũi: dân làng An Bằng sinh sống bằng nghề đánh bắt cá và vùng đất này là xứ truyền giáo.
Song song với việc hình thành họ nhánh, Cố Mầu cũng đã đặt ông Phaolô Lê Phi, con trai đầu của ông Giuse Lê Quy, làm Ông Câu đầu tiên.
Như thế, trong 10 năm truyền giáo tại An Bằng (1903 – 1913) cố Mầu Rửa Tội được 71 người. Thế là sau 17 năm Thiên Chúa gieo vãi hạt giống đức tin trên mảnh đất An Bằng, Vườn Cây Đức Tin đã mọc lên xanh tươi, hứa hẹn mùa bội thu.
Trong thời gian cố Mầu làm chánh xứ Hà Úc, có nhiều linh mục phụ tá cho ngài; một số linh mục phụ tá được cố Mầu sai đi phục vụ họ nhánh An Bằng:
– Linh mục G.B Huỳnh Viết Chưởng: 1912 – 1914
– Linh mục F.X Trần Văn Lương: 1914 – 1915
– Linh mục Phaolô Lê Quang Tuyến: 1918 – 1922
– Linh mục Đaminh Nguyễn Văn Chước: 1926 – 1929
1.5. Ngôi Nhà Thờ ở đất mới cho đến ngày nay
Năm 1930, linh mục G.B Nguyễn Văn Hân được đặt làm chánh xứ Hà Úc thay cố Mầu, ngài tiếp tục công việc truyền giáo trong cả vùng rộng lớn. An Bằng được ngài quan tâm nhiều. Trong thời gian 1930 – 1932, linh mục Tađêô Hồ Bảo Huỳnh làm phó đặc trách phục vụ họ An Bằng.
Năm 1936, sau thời gian cộng đoàn thương lượng với lãnh đạo của Làng, ông Nguyễn Phò, Bộ làng, đã ký giấy nhường cho Hội giáo một mảnh đất trên gò đồi, là vùng đất hiện nay, để xây dựng Nhà Thờ mới.
Linh mục G.B Nguyễn Văn Hân đã tạo điều kiện và giáo dân hăng hái nhiệt thành góp công xây dựng lên ngôi nhà thờ năm gian bằng gạch ngói âm dương, dài 20m, rộng 9m. Mặt tiền hướng về phía Tây Bắc.
Nhà Thờ mới mang tước hiệu là Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Tượng thánh nhân được gia đình Bà Ngô Đình Thị Hiệp dâng tặng và được đặt ở giữa cung thánh Nhà Thờ.
Toàn thể giáo dân hết sức hân hoan, vui mừng vì đã có nơi thờ phượng xứng đáng trong bối cảnh lúc bấy giờ.
Việc hoàn thành Ngôi Nhà Thờ mới tại vùng đất mới, cũng là lúc Ban Hội giáo đã trả lại phần đất mà ông Văn Hòa dâng cúng để xây dựng Nhà Nguyện đầu tiên. Do đó, hiện nay phần đất đó thuộc về thân nhân của ông Văn Hòa.
Giúp điều hành cộng đoàn, Ban Hội Giáo chọn ông Nguyễn Tứ làm cai bên nam, và bà Matta Văn Thị Thìn làm cai bên nữ.
Vào năm 1937, linh mục J. Viry (cố Vỵ) thay linh mục G.B Nguyễn Văn Hân làm chánh xứ Hà Úc, ngài đã lưu tâm lo việc truyền giáo. Chính vì vậy, trong giai đoạn này ảnh hưởng và uy tín của ngài, có nhiều người An Bằng được tòng giáo, nổi bật là dòng họ ông Lê Cảnh. Để kỷ niệm ngày làm con Chúa, hai ông Lê Cảnh và Lê Đôn dâng cúng cho nhà thờ một chiêng lệnh dùng cho việc phụng tự.
1.6. Ngôi trường đầu tiên trên đất An Bằng
Với ước mong mở mang dân trí cho người dân địa phương, cố Vỵ xây một ngôi trường ba gian ở vị trí Nhà Bia hiện giờ, và mời ông Nguyễn Văn Hiến, người Hà Úc, dạy chữ quốc ngữ cho dân làng, không phân biệt lương giáo. Và đây là ngôi trường đầu tiên trên đất làng An Bằng.
Vào thời kỳ này, các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm đang mục vụ ở Giáo xứ Hà Úc đến giúp dạy Giáo lý vài lần mỗi năm. Năm 1948, hai chị Cộng đoàn Hà Thanh đi dạy giáo lý cho An Bằng trong 6 tháng, sáng đi tối về.
Vào những tháng cuối năm 1952, Cha Quản xứ Hà Úc Nguyễn Văn Luật cho phép Cha phó Matthêu Trần Thanh Minh đến sống và làm mục vụ cho cộng đoàn An Bằng gần 4 tháng.
Như vậy, kể từ khi cô Lê Thị Bạo lãnh nhận đức tin đầu tiên cho đến năm 1953, giáo dân An Bằng hoàn toàn thuộc cha chánh xứ Hà Úc kiêm nhiệm.
Cho đến tháng 8 năm 1953, có linh mục Giuse Trần Thế Hưng từ Quảng Bình vào khu vực Thừa Thiên Huế vì chiến cuộc. Đức Cha Urrutia (Thi) đặt Cha Hưng làm quản nhiệm phụ trách xứ An Bằng, ngài giúp ở đây cho đến 05.8.1955.
2. THÀNH LẬP GIÁO XỨ
Giáo quyền Giáo phận Huế nhận thấy sự trưởng thành của giáo dân An Bằng, cơ cấu tổ chức của Giáo họ ở nơi đây hoạt động hiệu quả, cơ sở vật chất đầy đủ để phục vụ cho các sinh hoạt tôn giáo và công việc truyền giáo các vùng kế cận. Chính vì thế, Đấng Bản quyền địa phương, Đức Giám mục Jean Baptiste Urrutia (Thi) đã quyết định nâng giáo họ An Bằng thành Giáo xứ An Bằng và bổ nhiệm Linh mục Phaolô Nguyễn Văn Tiên làm quản xứ tiên khởi từ tháng 9 năm 1955. Cộng đoàn giáo dân vui mừng đón tiếp vị chủ chăn đầu tiên của mình sau 50 năm hình thành cộng đoàn tiên khởi.
(Trích trong phần 2 cuốn Lịch sử Giáo xứ An Bằng, 2016, phát hành 20.6.2017)
Theo nhu lich su giao xu An Bang da duoc bo sung va ohat hanh ngay 20 thang 06 nam 2017, thi vao nam 1890 co 7 em au nhi goc An Bang da Lanh nhan bi tich Rua toi tai nha tho Diem Tu. Vay tu so 1.6 co viet nhu sau, ” Nhu vay, ke tu khi co Le Thi Bao lanh nhan duc tin dau tien cho den nam 1953, giao dan An Bang hoan toan thuoc cha chanh xu Ha Uc kiem nhiem.” Xin thua rang, Ba Le Thi Bao khong phai la nguoi dau tien duoc lanh nhan bi Rua toi, ma trai lai da co 7 em au nhi goc An Bang da lanh nhan bi tich Rua toi tai nha tho Diem Tu. Toi xin noi ro chuyen do cho giao dan An Bang biet boi vi khi noi ve lich su giao xu An Bang thi can phai co tai lieu tu Toa Tong Giao phan Hue va tu so sach cua Giao xu An Bang. Nguoi ta noi rang, ” Noi thi co sach, mach thi co bang chung.” Vay, Giao dan An Bang nao muon hoi ve ten cua 7 au nhi duoc rua toi tai nha tho Diem Tu vao nam 1890 nhu sau:
1. Carolus Cai (Gai)
2.Luxia Nga 6 tuoi.
3.Luxia Nho 5 tuoi
4.Ane Vinh 1 tuoi
5. Phaolo Ti 3 tuoi
6.Maria Hanh
7. Luxia Co