Home / Sống Đạo / Học Hỏi Giáo Lý / Lễ các đẳng linh hồn

Lễ các đẳng linh hồn

Lễ các đẳng linh hồn10/31/2015 8:38:40 AMSau khi chết, con người sẽ đi về đâu? Đó là một trong những câu hỏi ngàn đời của con người.

Nhưng Đức tin dạy chúng ta biết: Sau khi chết mỗi người sẽ đến trước toà Chúa phán xét. Ở đó, tuỳ tội phúc mà được thưởng hay bị phạt. Số phận vĩnh cửu cho những ai được lên Thiên đàng và Hoả ngục. Còn Luyện ngục là nơi tam thời. “Những ai chết trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, thì tuy được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết, hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui Thiên đàng”(GL HTCG số 1030). Thời gian ở Luyện ngục dài ngắn tuỳ vào hình phạt linh hồn đó đáng phải chịu.

1. Hình phạt dành cho các linh hồn là gì?

Hình phạt thứ nhất các linh hồn phải chịu là không được thấy mặt Chúa. Sau khi chết, các linh hồn chỉ được thấy Chúa lúc phán xét mình. Sau đó, các linh hồn phải xa Chúa để vào thanh luyện trong Luyện ngục. Không được thấy mặt Chúa là một hình phạt nặng nề nhất cho các linh hồn. Vì sao? Bởi vì Chúa là Đấng sáng láng tốt lành vô cùng. Được gặp Chúa là hạnh phúc lớn của các linh hồn. Được ở với Chúa là được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Vậy mà các linh hồn chỉ thấy Chúa trong giây lát, rồi phải xa cách Chúa để giam cầm trong luyện ngục. Các linh hồn đau khổ vô cùng.

Hình phạt thứ hai các linh hồn phải chịu chính là “Lửa thanh luyện”. Chúng ta biết được hình phạt này dựa vào một số bản văn của Thánh Kinh(x. 1 Cr 3,15; 1 Pr 1,7) và lời xác quyết của Thánh Gregoriô: Một số lỗi lầm có thể được tha ở đời này, nhưng một số lỗi khác thì chỉ được tha ở đời sau.

Ở đời, mỗi khi nghĩ đến lửa là chúng ta nghĩ đến sức nóng. Chẳng may một chút lửa đụng vào mình, chúng ta sẽ thấy đau đớn vô cùng. Nếu bị lửa thiêu đốt thì không ai có thể sống nổi, ngoại trừ phép lạ. Vậy mà các linh hồn phải chịu lửa thiêu đốt ngày đêm. Chắc chắn các ngài đau đớn lắm. Nhưng lửa Luyện ngục khác với lửa Hoả ngục: Lửa Hoả ngục vô cùng còn Lửa Luyện ngục có thời hạn. Lửa Luyện ngục là sự thanh luyện sau cùng của những kẻ được chọn. Vì thế, các linh hồn ở trong lửa Luyện ngục vẫn luôn luôn hy vọng vào ngày mình được ra khỏi đó để về Thiên đàng với Chúa.

2. Các linh hồn trong luyện ngục phải chịu phạt về những tội nào?

Các linh hồn phải chịu phạt về những tội nhẹ nhưng chưa ăn năn cho trọn hoặc về những tội nặng đã được tha nhưng chưa đền tội đầy đủ. Nên nhớ rằng, mỗi lần xưng tội với lòng sám hối ăn năn chúng ta được tha tội, nhưng phải làm việc đền tội sau đó tuỳ mức độ của tội phạm. Đặc biệt, các tội lỗi đức công bằng chỉ được tha tội sau khi làm việc đền tội đầy đủ. Sau khi gặp Chúa Giêsu, ông Giakêu đã đứng lên thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; Và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”(Lc 19,8). Đó là tấm gương đền tội lỗi đức công bằng sau khi xưng tội. Thông thường chúng ta lỗi đức công bằng về của cải vật chất, nhưng cũng có thể lỗi đức công bằng về lời nói việc làm như: nói hành, nói xấu, bỏ vạ cáo gian; đánh đập làm ảnh hưởng đến thân xác kẻ khác…Tuỳ nặng nhẹ, chúng ta phải đền trả cân xứng. Nếu không đền trả đầy đủ ở đời này thì phải đền trả ở đời sau trong Luyện ngục hoặc trong Hoả ngục. 

3. Phải làm gì để cứu các linh hồn trong Luyện ngục?

Các linh hồn trong luyện ngục có thể là ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn hữu của chúng ta. Các linh hồn không tự cứu mình ra khỏi đó. Các ngài phải cậy nhờ chúng ta là những người còn sống. Như vậy, chúng ta cứu các linh hồn là lẽ công bằng và lòng bác ái. Bởi vì, khi còn sống, các ngài đã cùng sống với chúng ta, giúp đỡ chúng ta về tinh thần và vật chất. Có thể nghề nghiệp chúng ta đang mưu sinh là nhờ sự giúp đỡ của các ngài. Có thể nhà cửa chúng ta đang ở, của cải chúng ta đang hưởng dùng là do các ngài để lại. Có thể do chúng ta mà các ngài phải giam cầm trong Luyện ngục.

Vậy phải làm gì để cứu các linh hồn? Nếu có thể nên xin lễ chỉ cho các linh hồn. Hoặc làm việc lành phúc đức: hy sinh, làm việc bác ái giúp đỡ người nghèo, xưng tội rước lễ, xem lễ, lần hạt, ngắm đàng thánh giá, cầu nguyện cho các linh hồn. Giáo lý GHCG số 1032 dạy: “Ngay từ những thời gian đầu, Giáo hội đã tôn kính việc tưởng niệm  các người đã qua đời, và dâng kinh lễ để cầu cho họ, nhất là dâng thánh lễ, để họ được thanh tẩy và tiến vào nơi chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Giáo hội cũng khuyên làm việc bố thí, hưởng ân xá và thi hành những việc đền tội để giúp các người đã qua đời: Chúng ta hãy cứu giúp họ và hãy tưởng nhớ họ. Nếu các con ông Gióp đã được thanh tẩy nhờ lễ hy sinh của cha họ(G 1,5), tại sao chúng ta lại có thể hoài nghi rằng những của lễ của chúng ta dâng cầu cho người chết sẽ không mang lại ủi an cho họ? Vậy chúng ta đừng ngần ngại cứu giúp những người đã ra đi, và dâng những kinh nguyện cầu cho họ”. 

Trong bài huấn dụ ngày 19 tháng 11 năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc nhở: “Tháng 11, Phụng vụ mời gọi chúng ta cầu nguyện cho những người đã qua đời. Chúng ta đừng quên những người thân yêu, các ân nhân và tất cả những người đã ra đi trước chúng ta trong đức tin. Việc cử hành thánh lễ là trợ giúp tinh thần tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể mang lại cho các linh hồn quá cố”.

4. Ta phải làm gì để tránh Luyện ngục?

Để tránh Luyện ngục chúng ta cần phải năng suy ngắm về sự chết, sự phán xét, nhất là hình khổ các linh hồn phải chịu trong Luyện ngục, nhờ đó chúng ta dễ dàng xa tránh tội lỗi và luyện tập các nhân đức. Mặt khác, chúng ta cần phải luôn biết sống tỉnh thức và sẵn sàng vì chúng ta không biết chết lúc nào. Tỉnh thức, sẵn sàng có hai cách: Cách tiêu cực, tức là giữ mình không phạm tội, nhất là tội nặng và tội nhẹ cố tình; Cách tích cực, tức là không những giữ mình không phạm tội mà còn ra sức làm nhiều việc lành phúc đức để đền tội đời này cho đủ, nhờ thế không còn phải đền tội ở đời sau.

Tóm lại, ngày hôm nay và trong suốt tháng này chúng ta nhớ đến các linh hồn trong luyện ngục. Chúng ta hãy dâng lễ, dâng hy sinh, dâng việc lành, dâng lời cầu nguyện chỉ cho các linh hồn. Đó là bổn phận và lòng bác ái của chúng ta đối với các linh hồn. Chắc chắn khi các Ngài được lên Thiên đàng sẽ không quên công ơn của chúng ta. Câu chuyện sau đây làm chứng điều đó:

Cha Lacordaire, một Linh mục nổi tiếng nước Pháp kể truyện sau đây trong cuốn sách Các Bài giảng về linh hồn bất tử: Một hoàng tử vô thần người Ba lan đã viết xong một quyển sách chống vấn đề linh hồn bất tử. Hoàng tử sắp cho in ra. Ngày kia, ông đang đi bộ trong công viên, một phụ nữ chạy tới qùi xuống chân ông khóc lóc: “Lạy hoàng tử, chồng tôi chết mấy ngày nay, có lẽ linh hồn ông ta đang ở dưới Luyện ngục đau khổ, nhưng tôi nghèo  không có lấy một đồng để xin lễ cho linh hồn chồng tôi, xin hoàng tử giúp tôi để tôi giúp lại chồng”.

Dù không tin có đời sau, hoàng tử cũng mủi lòng và đưa cho bà ta một đồng tiền vàng ông đem theo mình. Người đàn bà mau mắn  chạy đến nhà thờ xin lễ cho chồng. Ba hôm sau, vào buổi chiều, hoàng tử đang ngồi nghỉ trong phòng đọc sách vắng vẻ, bận bịu sửa chữa lần chót quyển sách nói trên, bỗng ông nghe có tiếng động đậy, vội nhìn chung quanh, ông đã thấy sừng sừng trước mặt một người ăn vận kiểu nhà quê đang đứng đó. Ngạc nhiên và tức giận, sao lại có người nhà quê vào phòng lúc này khi ông chưa cho phép. Ông đứng dậy đuổi đi ngay. Người nhà quê biến mất. Hoàng tử gọi các tôi tớ đến trách mắng tại sao lại cho người nhà quê vào phòng không xin phép trước. Các tôi tớ ngạc nhiên không biết ai đã vào phòng ông. Họ quả quyết không có khách lạ vào dinh lúc này. Hoàng tử im lặng về phòng, nhưng đinh ninh rằng “Chắc chắn có người đã vào”.

Cũng cùng giờ chiều hôm trước, khi ông ta đã quên truyện ấy, người nhà quê lại hiện ra đứng trước mặt ông không nói nửa lời. Lần này hoàng tử nổi giận quát mắng xua đuổi ra ngay. Người nhà quê lại biến mất. Hoàng tử chạy tìm quanh nhà không thấy người ấy đâu. Tôi tớ xục xạo khắp chốn nhưng không ai hiểu ra sao hết. Hoàng tử bắt đầu suy nghĩ, chờ đợi.

Chiều hôm sau cũng giờ ấy, người nhà quê đến nữa, nhưng trước khi hoàng tử nổi nóng đuổi đi thì ông đã lên tiếng: “Thưa hoàng tử, tôi tới đây cảm ơn ngài, tôi là chồng của đàn bà nghèo khổ, ngài đã bố thí cho một đồng vàng để bà ta xin lễ cầu cho linh hồn tôi cách đây mấy bữa. Cử chỉ bác ái của ngài đẹp lòng Thiên Chúa. Chúa cho phép tôi về đây để cảm ơn hoàng tử và quả quyết với ông rằng ‘có đời sau’, và linh hồn người ta không chết. Hoàng tử hãy dùng ơn Chúa ban đây để lo phần rỗi đời đời của mình”. Nói xong người nhà quê biến đi. Hoàng tử đã chợt bừng tỉnh, ông quyết định không xuất bản quyển sách chống linh hồn bất tử nữa(Charity p. 298; câu chuyện được trích trong bài Luyện ngục của soạn giả: Lm. Mark, CMC).

Lạy Chúa là niềm vinh hạnh của các tín hữu, là sự sống của bậc chính nhân, Chúa đã muốn cho Con Chúa chịu chết và sống lại để cứu chuộc chúng con. Xin thương đến những người tín hữu khi còn sống đã tin nhận mầu nhiệm phục sinh mà ban cho họ vinh phúc muôn đời. Amen (Lời nguyện nhập lễ – Lễ II- ngày 2 tháng mười một)

 

Lm. Anthony Trung Thành

Check Also

Chúa nhật 17 Thường niền năm A, Mt 13, 44-52



Lời Chúa: (Mt 13,44-52)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *